Những lưu ý khi mua bảo hiểm du lịch nước ngoài

Tuy nhiều người không có thói quen mua bảo hiểm du lịch nhưng nó là vô cùng cần thiết và giúp cho chuyến đi của du khách trở nên an toàn hơn rất nhiều. Mặc dù số tiền phải trả không quá cao chỉ từ vài chục đến vài trăm đô la nhưng bạn đã có một hợp đồng bảo hiểm du lịch rất giá trị có thể giải quyết trong một số trường hợp xấu khi du lịch nước ngoài. Có thể bạn đột nhiên đổ bệnh phải vào bệnh viện, không may bạn bị mất giấy tờ hoặc tài sản có giá trị, nếu tìm hiểu kỹ các chính sách thì những vấn đề này bạn hoàn toàn nhận được sự hỗ trợ từ công ty bảo hiểm.

 

Có nên mua bảo hiểm du lịch không?

Câu trả lời không phải là nên hay không, mà chắc chắn bạn hãy mua bảo hiểm khi đi du lịch, đặc biệt là du lịch nước ngoài. Dù tình trạng sức khỏe bình thường, già hay trẻ thì không ai có thể nói trước những rủi ro ở mảnh đất lạ, vì thế bảo hiểm du lịch là cực kỳ cần thiết.

 

Bảo hiểm toàn bộ các địa điểm dừng chân

Một lưu ý nhỏ cho bạn trong việc mua bảo hiểm du lịch là xem xét sự an toàn của bạn có được bảo đảm trong suốt hành trình đi du lịch hay không, tức là gồm cả nơi bạn chỉ quá cảnh. Ví dụ bạn bay sang Mỹ và transit tại Hong Kong, nếu bạn gặp vấn đề sức khỏe tại Hong Kong mà không được bảo hiểm thì thật tai hại. Vì thế, bạn nên xem cẩn thận các chính sách từ phía công ty bảo hiểm.

 

Ưu đãi bảo hiểm cho những người cùng nhóm

Một số công ty bảo hiểm sẽ có mức giá ưu đãi dành cho nhóm hơn là đi một mình. Các công ty bảo hiểm khác nhau có chính sách khác nhau, chẳng hạn, một số công ty bảo hiểm sẽ miễn phí bảo hiểm cho con hoặc cháu, dưới 25 tuổi, chưa có việc làm và đi cùng bạn trong suốt chuyến đi.

 

Mua gói bảo hiểm năm nếu thường xuyên đi du lịch hoặc công tác

Những người thường xuyên di chuyển nên mua bảo hiểm hàng năm hoặc bảo hiểm nhiều chặng, sẽ giúp bạn tiết kiệm hơn và thuận tiện hơn. Ví dụ, nếu bạn thường xuyên phải đi công tác nước ngoài thì nên chọn mua bảo hiểm du lịch theo năm để cắt giảm chi phí, trong một năm đó bạn sẽ được bảo hiểm tất cả các chuyến đi, dù là nội địa hay quốc tế, và không kể bao nhiêu lần. Một số công ty bảo hiểm không chấp nhận bảo hiểm một chiều. Do đó, nếu chưa xác định được ngày về, hãy tìm hiểu thời hạn tối đa được bảo hiểm là bao lâu và có được gia hạn không.

 

Mua gói bảo hiểm riêng cho người ưa mạo hiểm

Nếu bạn là người thích những trò chơi cảm giác mạnh, ưa những hoạt động phiêu lưu mạo hiểm hay những hoạt động đòi hỏi vận động nhiều ngoài trời thì nên tham khảo gói bảo hiểm tương ứng. Thông thường gói bảo hiểm cho các tour du lịch thám hiểm như leo núi, vượt thác, nhảy dù có giá trị cao hơn và mức độ đền bù tổn thương cũng cao hơn.

 

Bảo hiểm cho hành lý

Những trường hợp bị thất lạc hành lý xảy ra hàng ngày và không có gì lạ lẫm khi chẳng may người đó là bạn. Nếu bạn có đem các đồ vật có giá trị hãy ước tính giá trị và xem xét hạn mức bảo hiểm cho món đồ đó có thoả đáng không. Hầu hết các công ty bảo hiểm sẽ ghi rõ từng mức bồi thường cho từng loại đồ đạc có giá trị khác nhau, ví dụ máy ảnh, máy tính cá nhân, điện thoại và trang sức. Với các món đồ công nghệ, thường thì công ty bảo hiểm sẽ ko bồi thường theo giá mua mà dựa vào giá trị thực tế sau khi trừ đi khấu hao tài sản.

 

Lưu ý những vấn đề sức khỏe

Nếu bạn có tiền sử bệnh hoặc đang mắc bệnh nan y, tốt nhất hãy khai báo thành thật với công ty bảo hiểm. Bảo hiểm sẽ không bồi thường cho bạn nếu bạn gặp vấn đề về sức khoẻ mà trước đó không tiết lộ bệnh tật trong quá khứ. Khi mục đích của bạn là chữa bệnh hay chăm sóc y tế ở nước ngoài ,bảo hiểm sẽ không giúp gì cho bạn cả. Trong trường hợp bạn không đủ sức khỏe để di chuyển, hoặc di chuyển trái với lời khuyên của bác sĩ, bạn cũng sẽ không được trả tiền bồi thường.

 

Thẻ tín dụng thường cung cấp bảo hiểm du lịch kèm theo

Một trong những ưu đãi dành cho chủ thẻ tín dụng đó là bảo hiểm du lịch quốc tế mà nhiều khách hàng không hề để ý. Thật ra có thể bạn đã trả số phí bảo hiểm đó trong phí thường niên của thẻ tín dụng rồi. Trong đa số trường hợp, bạn cần dùng thẻ tín dụng đó thanh toán vé máy bay để kích hoạt điều kiện được bảo hiểm du lịch, cũng như thanh toán các chi phí liên quan đến chuyến đi bằng chính thẻ tín dụng đó, như đặt phòng khách sạn, đặt xe đưa đón tại sân bay. Thẻ tín dụng có kèm bảo hiểm du lịch là điều tuyệt vời để tiết kiệm chi phí, nhưng bạn cần kiểm tra trước tất cả những điều khoản và ưu đãi liên quan. Thông thường gói bảo hiểm du lịch đi kèm thẻ tín dụng sẽ chỉ bảo hiểm duy nhất cho chủ thẻ, nên khi đi cùng gia đình, bạn cần mua riêng gói bảo hiểm du lịch cho người thân của mình.

 

Tìm hiểu về điều khoản và hạn mức bồi thường

Khi mua bảo hiểm du lịch, bạn cần đọc kỹ hạn mức bồi thường và các điều khoản bồi thường cũng như quy trình và thời gian giải quyết và số điện thoại liên hệ khẩn cấp khi có trường hợp không may xảy ra. Một số trường hợp phổ biến mà bạn nên nắm rõ về hạn mức bồi thường như chi phí cấp cứu và nằm viện khi ở nước ngoài; bị tử vong do tai nạn hoặc tàn tật vĩnh viễn; hành lý, giấy tờ cá nhân bị thất lạc hoặc hư hỏng; bị mất tiền, bị ăn cắp đồ đạc;…

 

Bảo hiểm du lịch không bồi thường những gì?

+ Bảo hiểm du lịch không bồi thường cho trường hợp rủi ro do chiến tranh, nội chiến.

+ Bảo hiểm du lịch “không quan tâm” đến phụ nữ mang thai: Đối với phụ nữ mang thai, các công ty bảo hiểm sẽ không bồi thường bất kỳ thương tích hay ốm đau nào có liên quan đến việc mang thai hay sinh nở. Vì vậy, nếu bạn đang có bầu nên du lịch tại các thành phố hơn là du lịch lên rừng xuống biển.

+ Bảo hiểm du lịch không áp dụng cho trường hợp tự tử: các trường hợp tự tử hay có ý định tự tử, cố ý gây thương tích cho bản thân trong khi mất trí hay tỉnh táo.

+ Nếu bạn mất tích bí ẩn, bạn sẽ không được bồi thường.

+ Bảo hiểm sẽ không thỏa thuận với hành vi trái pháp luật.

+ Bị ảnh hưởng sức khỏe do rượu/thuốc: ngộ độc do rượu bia hay tự ý dùng thuốc hoặc sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ trong thời gian đi du lịch sẽ không được bảo hiểm bồi thường.

Ngày cập nhật: 06/06/2019

Các tin mới cập nhật