Du lịch New Zealand tự túc bằng xe buýt

Du lịch New Zealand tự túc dễ không tưởng vì xứ Kiwi có diện tích nhỏ, các địa điểm du lịch khá gần nhau, đường xá thuận tiện. Các phương tiện giao thông cũng đa dạng và phù hợp với mọi túi tiền. Sau đây FantaSea sẽ chia sẻ một số thông tin về xe buýt du lịch New Zealand và các mẹo tiết kiệm chi phí đi lại bằng xe buýt không phải ai cũng biết.

Có nhiều công ty du lịch cung cấp dịch vụ giao thông liên tỉnh, 4 công ty mà dân du lịch New Zealand lẫn người bản xứ thường dùng nhất là Intercity, Naked Bus, Stray Bus và Kiwi Experience. Về mạng lưới điểm đến thì các hãng này đều có những chuyến xe trải dài khắp các thành phố, thị trấn lớn nhỏ, các điểm du lịch chính ở hai đảo Bắc Nam, có liên kết với hai hãng phà nối liền hai đảo, nên đều rất thuận tiện cho du lịch.

 

InterCity Bus

 

Intercity

Công ty này có mạng lưới điểm đến đa dạng và được lựa chọn nhiều vì giá khá ổn nhất. Ở đảo Nam thì hầu như chỉ có thể đi Intercity khi Nakedbus không còn hoạt động (dù vẫn bán vé trên web, nhưng xe được vận hành bởi Intercity). Xe buýt du lịch New Zealand Intercity có gói Travelpass và Flexipass. Travelpass tương tự nhu các gói du lịch của Kiwi và Stray nhưng không phổ biến lắm. Flexipass là gói du lịch theo tiếng, có các khung từ 10 đến 80 tiếng, mua càng nhiều thì đơn giá một tiếng càng rẻ. Nên nhiều người thường mua Flexipass để du lịch New Zealand, vừa chủ động về thời gian, địa điểm, vừa tiết kiệm hơn so với mua từng vé lẻ.

 

Mẹo tiết kiệm:

– Nếu mua vé lẻ và có thẻ thành viên của các hệ thống hostel YHA, BBH… thì giá sẽ rẻ hơn giá cho người lớn tầm 10$.

– Đừng mua Flexipass trên web của hãng, mà nên vào các group backpacker New Zealand trên Facebook. Nhiều dân du lịch bụi còn dư tiếng trong pass sau chuyến du lịch New Zealand, sẽ đăng bán lại trên group, giá thường rẻ hơn so với mua trên web. FantaSea mua được 28 tiếng chỉ với 150NZD, trong khi gói 25 tiếng trên web đã là 209NZD! Sau khi sử dụng, nếu còn dư, bạn cũng có thể bán lại cho người khác. Chỉ cần email cho công ty yêu cầu đổi tên và email của các pass là được. Sau khi mua pass, bạn sẽ có pass number và access code để đăng nhập và đặt vé xe. Phà giữa các đảo cũng có thể được book với Flexipass, nên tính ra rẻ hơn mua vé phà cho cá nhân rất nhiều. Pass có giá trị 12 tháng kể từ ngày mua, có thể topup thêm nhưng không làm tăng thời gian sử dụng của pass, nên cần lưu ý điểm này.

Có thể gộp 2, 3 pass cùng tên và cùng email bằng cách gọi lên văn phòng Auckland gặp costumer service yêu cầu họ giúp.

 

Naked Bus

Một hãng xe buýt du lịch New Zealand hoạt động mạnh ở đảo Bắc. Khá tương tự với Intercity, chỉ khác là hình thức pass của hãng này theo trip, gọi là Naked Passport. Họ có gói Passport 3, 5, 10, 20 chuyến đi, giá bao gồm phà và không bao gồm phà chênh lệch tầm 40 ~50$ một gói. Dùng Naked passport khi đi khoảng cách xa sẽ có lợi hơn.

Hiện nay Naked Bus không hoạt động ở đảo Nam, nhưng họ vẫn bán vé trên website, dịch vụ được cung cấp bởi Intercity.

Mẹo tiết kiệm: cũng như Intercity, bạn nên mua lại passport trên backpacker group.

 

Kiwi Experience và Stray Bus

Là xe buýt chuyên chở khách du lịch vòng quanh New Zealand. Kiwi Experience và Stray phù hợp với những backpacker có thời gian cố định, ví dụ 2-3 tuần, 1-2 tháng cho cả hai đảo Bắc, Nam. Họ có nhiều gói du lịch, tùy vào số lượng điểm đến mà giá cả chênh lệch. Về thời gian thì đều là 12 tháng kể từ ngày đầu tiên sử dụng. Nên nếu bạn muốn du lịch nhiều lần trong vòng 12 tháng thì đây cũng là một lựa chọn tốt.

 

Là tour bus nhưng bạn hoàn toàn được chủ động về thời gian lưu trú tại một điểm đến bất kì, thích ở lại hai ba đêm hay cả tháng thì ở. Trước khi du lịch, chỉ cần check xem pass của bạn có bao gồm chuyến xe từ nơi này đến nơi kia không, thời gian khởi hành là bao lâu… rồi book trên mạng.

 

Kiwi và Stray cũng có hỗ trợ đặt hostel, đặt các hoạt động du lịch với giá khuyến mãi cho khách đi xe. Nhưng đôi khi không rẻ mấy, như đặt YHA Picton với giá thành viên là 22$, giá thường là 26$ (trong mùa thấp điểm), mà khách của Stray lại trả tới 30$. Khách có thể tự đặt chỗ ở tại điểm đến mà không nhất thiết phải ở backpacker liên kết với hãng. Đôi khi các hostel có làm buffet, các bar có khuyến mãi đặc biệt cho khách đi tour bus, tài xế thân thiện, vui vẻ, nhiệt tình cung cấp thông tin, gặp bạn bè thích du lịch cùng chuyến đi… cũng là những điểm cộng của tour bus.

 

Theo cư dân của các hội du lịch bụi New Zealand đồn thì đối tượng khách của hai hãng xe buýt du lịch New Zealand này rất đặc thù: Kiwi tập trung nhiều khách trẻ, tầm 18-22, thích party tiệc tùng, trong khi Stray có lượng khách từ 25-30 tuổi, thích “bình yên” hơn. Dĩ nhiên không phải khách hàng nào cũng như nhau, và không phải chuyến xe nào của Kiwi cũng ồn ào, nhưng có lẽ định kiến này cũng giúp backpacker dễ dàng tìm cho mình dịch vụ phù hợp. Ai thích party thì cứ tụ vào một bên, ai không thích thì dùng bên còn lại, đỡ bức xúc lẫn nhau.

 

Điểm trừ của hình thức này là họ chuyên về tour bus và hầu hết các cung đường đều đi theo một vòng và không đi hướng ngược lại. Ví dụ từ Christchurch họ sẽ đi tới Kaikoura, rồi Nelson, rồi West Coast, xuống Wanaka, Queenstown, rồi lên Mt Cook và về lại Christchurch… chứ không đi hướng ngược lại. Nên nếu lỡ có việc cần đi từ Kaikoura về Christchurch chẳng hạn, thì bạn phải tự lo phương tiện. Bạn có thể đi 1 chuyến bất kì, theo chiều mũi tên trong map của pass, vài lần hoặc chục lần cũng được, miễn là pass còn giá trị sử dụng.

 

Mẹo tiết kiệm: nên mua vào mùa đông, từ tháng 5 ~ tháng 8 ở NZ là mùa thấp điểm du lịch, các pass được giảm giá rất rẻ. Pass mắc nhất của Stray bus đi tất cả các điểm đến ở hai đảo Bắc-Nam, vốn tầm 1700NZD chỉ còn tầm 900NZD. Vì các vé xe bus du lịch New Zealand có thời gian sử dụng là 1 năm, nên bạn có thể mua để dành mùa cao điểm đi du lịch vẫn không vấn đề.

Ngày cập nhật: 27/03/2019

Các tin mới cập nhật